0977993042  0977993042     dungcuthuyvn@gmail.com dungcuthuyvn@gmail.com (Online từ 8h30 đến 21h00 từ Thứ 2 - Chủ Nhật)

DỤNG CỤ THÚ Y LÊ ANH

DỤNG CỤ THÚ Y LÊ ANH

Giỏ hàng của bạn

(0) sản phẩm - 0 đ

Kỹ thuật lấy mẫu máu trên trâu, bò

Kỹ thuật lấy mẫu máu trên trâu, bò

Trong chăn nuôi việc lấy mẫu máu trên động vật nuôi được thực hiện định kỳ để phục vụ công tác chẩn đoán, xét nghiệm, phòng chống bệnh động vật.

1. Mục đích và ý nghĩa

- Đối với máu đã chống đông: dùng để xét nghiệm ký sinh trùng đường máu (Tiên mao trùng, Lê dạng trùng…), nhiễm trùng máu (vi trùng), xét nghiệm các chỉ tiêu sinh lý máu...

- Đối với mẫu huyết thanh:

+ Định lượng kháng thể phòng một số bệnh sau khi tiêm phòng vắc xin như: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng…

Ý nghĩa: Kiểm tra kháng thể bảo hộ phòng bệnh

+ Phát hiện kháng thể do nhiễm tự nhiên (kháng thể do con vật tự sản sinh ra khi nhiễm một số mầm bệnh) như kháng thể bệnh Lở mồm long móng.

Ý nghĩa: Phát hiện bệnh khi không lấy được mẫu để phát hiện kháng nguyên. Ví dụ: Đối với bệnh Lở mồm long móng khi ở giai đoạn cuối, không lấy được biểu mô, dịch mụn nước hoặc trong giai đoạn bệnh nhưng con vật đã được xử lý bằng phèn chua, xanh methylen, chanh, dấm… làm chết virus Lở mồm long móng nên không phát hiện được vi rút trong mẫu bệnh phẩm biểu mô. Phát hiện kháng thể do nhiễm tự nhiên khẳng định được con vật đã bị nhiễm virus Lở mồm long móng (tuy nhiên phải kết hợp với những triệu chứng và bệnh tích điển hình trên trâu, bò để làm căn cứ kết luận nguyên nhân bệnh). Nhược điểm của xét nghiệm phát hiện kháng thể do nhiễm tự nhiên là không tìm ra được type virus Lở mồm long móng là type O, A hay Asia1 gây khó khăn trong việc khuyến cáo sử dụng vắc xin.

+ Kiểm tra các chỉ tiêu sinh hóa máu

- Thông qua kỹ thuật lấy mẫu máu sẽ làm cơ sở cho việc truyền dịch cho trâu, bò khi cần xác định vị trí cắm kim truyền dịch vào tĩnh mạch.

2. Dụng cụ, vật tư cần thiết

- Bảo hộ lao động: mũ chùm đầu, áo, quần, găng tay, khẩu trang, ủng chân.

- Bông cồn, xilanh 5ml, kim 18G, 20G, 23G (kích cỡ kim tùy thuộc vào vị trí lấy và trọng lượng, độ tuổi trâu, bò), kim bướm (dùng trong lấy tĩnh mạch tai), ống chống đông máu (đối với xét nghiệm cần máu chống đông), ống effendog (để chắt huyết thanh), kéo…

- Phích lạnh, đá khô bảo quản mẫu, bút dạ (ghi ký hiệu mẫu), khay đựng mẫu.

- Gióng cố định trâu, bò; dây chão, dây thừng, dây dù để cố định trâu bò hoặc dùng để garo tĩnh mạch…

3. Xác định vị trí

Thông thường lấy máu tại ba vị trí: tĩnh mạch cổ (hai bên cổ), động mạch đuôi, tĩnh mạch tai. Trong đó, thường lấy ở tĩnh mạch cổ hoặc động mạch đuôi vì sẽ lấy được lượng máu nhiều trong thời gian ngắn.

- Tĩnh mạch cổ: thường lấy trên bò hoặc trâu có sừng ngắn.

- Động mạch đuôi: thường lấy với trâu có sừng dài (lấy ở vùng đầu gây nguy hiểm cho người lấy mẫu) hoặc vùng đầu trâu, bò khó cố định.

- Tĩnh mạch tai: lấy lượng máu ít do trâu, bò hay vẩy tai khi lấy mẫu nên lượng mẫu lấy được ít và máu vào xilanh chậm, dễ dẫn tới đông máu và tắc kim lấy máu.

Trên thực tế, căn cứ vào thực địa như gióng cố định, tính hung dữ của trâu, bò… sẽ quyết định vị trí lấy mẫu máu phù hợp.

4. Phương pháp lấy mẫu

Bước 1: Cố định trâu, bò trong gióng

Trong lấy mẫu máu trâu, bò; việc cố định gia súc đóng vai trò quan trọng trong việc xác định vị trí cần lấy mẫu, đặc biệt là lấy máu ở tĩnh mạch cổ; đầu trâu, bò quay sang một bên đối diện so với người lấy mẫu nhằm làm mạch căng và cố định mạch máu, đồng thời tránh nguy hiểm cho người lấy mẫu.

Trên thực tế, không phải lúc nào cũng có gióng cố định; khi đó chúng ta sử dụng gốc cây lớn, cột điện hoặc các thanh cây, cột tại chuồng nuôi để cố định trâu, bò.

Hình 1: Gióng cố định trâu, bò

Bước 2: Xác định vị trí

* Lấy tĩnh mạch cổ

- Dùng tay hay dây dù (dây chun) để garo tĩnh mạch cổ nhằm làm nổi rõ tĩnh mạch để xác định vị trí lấy mẫu.

Lưu ý: khi garo mạch bằng dây: Dây phải buộc bằng nút sống, khi con vật phản ứng giữ dội phải cởi được ngay, tránh làm chặn được thở (khí quản) dẫn đến con vật chết nhanh.

Hình 2: Xác định vị trí tĩnh mạch cổ trên bò

 

Hình 3: Lấy mẫu máu sau khi xác định vị trí

- Có thể dùng tay ấn vào một số vị trí xung quanh vị trí nghi ngờ để xác định tĩnh mạch cổ thông qua cảm giác tay. Khi đã xác định được vị trí thì dùng tay để chặn tĩnh mạch.

Hình 4: Xác định vị trí tĩnh mạch cổ trên trâu

 

* Lấy động mạch đuôi

Người lấy mẫu đứng đằng sau trâu, bò; dùng một tay giữ đuôi trâu, bò căng ngược lên phía trên. Quan sát tại vị trí gần gốc đuôi sẽ thấy một khe lõm chạy dọc đuôi (đối với trâu, bò có thể trạng béo thì khó quan sát).

Vị trí lấy mẫu: Khe lõm với khoảng cách từ gốc đuôi đến đầu đuôi khoảng 10cm.

Lưu ý: Khi lấy máu ở động mạch đuôi của trâu, bò phải cố định hai chân sau và người lấy mẫu phải chọn vị trí đứng đảm bảo an toàn.

Hình 5: Vị trí lấy mẫu động mạch đuôi

* Lấy tĩnh mạch tai

Quan sát mặt sau của tai để chọn mạch sẽ lấy máu.

Bước 3: Lấy mẫu

- Lấy mẫu hai thì:

Sau khi xác định vị trí mạch lấy mẫu, dùng kim tiêm đâm vào mạch, nếu kim vào trúng mạch thì đốc kim sẽ có máu chảy ra. Tiếp theo dùng xilanh nắp vào đốc kim và rút pít tông xilanh để lấy máu với thể tích tùy vào yêu cầu xét nghiệm và sức khỏe con vật.

- Lấy mẫu một thì: Dùng xilanh đã nắp sẵn kim với kích cỡ phù hợp, xác định chính xác vị trí lấy mẫu, một tay cố định mạch (garo mạch), một tay cầm xilanh đâm vào mạch, khi máu vào đốc kim thì từ từ rút pít tông xilanh để lấy lượng màu phù hợp với yêu cầu xét nghiệm.

Yêu cầu: thao tác nhanh, gọn, chính xác, chọn vị trí đứng an toàn cho người lấy mẫu. Trường hợp con vật phản ứng dữ dội, người lấy mẫu phải buông tay ra hoặc rút xilanh nhanh chóng, chờ con vật trở lại trạng thái bình thường rồi mới tiếp tục lấy mẫu.

5. Xử lý mẫu sau khi lấy

* Đối với máu chống đông

Dùng ống đã có sẵn chất chống đông để cho máu từ xilanh vào. Chú ý: nên bơm máu từ xilanh vào ống chống đông sau khi đã bỏ kim ra, bơm nhẹ máu trong xilanh vào thành ống chống đông, tránh làm vỡ tế bào máu gây dung huyết sẽ ảnh hưởng tới xét nghiệm. Sau đó, xoay nhẹ ống chống đông để chất chống đông trộn đều trong máu. Thông thường chỉ lấy từ 1 - 2ml máu (nếu lấy nhiều quá thì chất chống đông trong ống không đủ, do vậy phải đọc kỹ thể tích cho phép đối với từng chất chống đông). Dùng bút dạ để ghi ký hiệu mẫu lên thân ống chống đông.

Sau đó, để ống chứa máu chống đông vào phích lạnh có chứa đá khô và mang về phong thí nghiệm, bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.

Hình 6: Ống chống đông máu

 

* Đối với mẫu huyết thanh

Sau khi lấy máu bằng xilanh, ghi ký hiệu bằng bút dạ lên phần pít tông của xilanh, không ghi lên thân xilanh vì khi bảo quản lạnh hoặc tay chạm vào sẽ dễ mất ký hiệu mẫu. Mẫu sau khi ghi ký hiệu được bảo quản trong phích lanh chứa đá khô, khi ra huyết thanh thì chắt sang ống effendog. Ký hiệu mẫu trên ống effendog ghi giống ký hiệu trên xilanh. Bảo quản mẫu huyết thanh trong ngăn mát của tủ lạnh nếu làm thí nghiệm trong thời gian ngắn, cũng có thể bảo quản mẫu huyết thanh trong ngăn đá của tủ lạnh nếu thời gian xét nghiệm còn dài.

Hình 7 : Ký hiệu mẫu trên ống effendog

Hình 8: Tạo khoảng trống cho huyết thanh ra với lượng nhiều nhất

Chú ý: đối với mẫu máu chắt lấy huyết thanh, sau khi lấy mẫu máu phải kéo pít tông xilanh tới kịch cỡ của xilanh nhằm tạo khoảng trống cho huyết thanh ra trong lòng xilanh được nhiều nhất./.

 

NGUYỄN THÀNH LONG

Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh

xe2343
qqqq
qqq
vvv
aaaaa
công ty vinamilk
KERBL
DỤNG CỤ THÚ Y LÊ ANH
0977993042

Loading...